Cuộc đời Marcion thành Sinope

Epiphanius trong tác phẩm Panarion ghi lại rằng Marcion sinh năm 85 là con trai một giám mục thành SinopePontus, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Rhodo và Tertullianus, đang ở độ tuổi thanh niên khi Marcion đã già, mô tả ông như một "thủy thủ" hay "chủ tàu". Năm 394, Epiphanius nêu rằng sau khi bắt đầu cuộc đời khổ tu, Marcion đã dụ dỗ một trinh nữ nên bị cha mình từ mặt, bắt phải rời khỏi quê nhà.[9] Nhiều học giả vẫn nghi ngờ chi tiết này, cho rằng chỉ lời đồn thổi ác ý. Gần đây hơn, Bart D. Ehrman cho rằng "vụ quyến rũ trinh nữ" này là một ngụ ý về sự mê hoặc của chủ thuyết Marcion đối với Giáo hội Kitô giáo vốn được minh họa như một trinh nữ kiên trinh.[10]

Vào khoảng cuối thập niên 130, khả năng lớn là đã nhận chức giám mục,[11][12] Marcion rời đến Roma. Ông ghé qua Smyrna, gặp gỡ Polycarp, và đặt chân đến Roma khoảng năm 139.[8] Ông gia nhập hội thánh La Mã và rất được kính trọng trong cộng đồng Kitô hữu. Một câu chuyện truyền khẩu kể rằng Marcion đã dâng hiến một khoản lớn 200.000 đồng sester cho hội chúng ở đó[4] [3], về sau khi bị khai trừ, khoản đóng góp này được trả lại cho Marcion.[4]

Marcion ở lại Roma trong năm năm, giảng dạy và xây dựng nền tảng đức tin Kitô giáo dựa trên các chước tác lưu truyền đương thời.[13] Marcion đã phát triển hệ thống thần học của riêng mình dựa trên việc giải thích sứ điệp của Chúa Giêsu, và tập hợp nhiều tín đồ quanh mình.

Theo các nguồn tư liệu chống Marcion, thầy dạy của Marcion là Cerdo phái Simon (thuật sĩ Simon). Irênê viết rằng "Có kẻ tên Cerdo phái Simon, đã đến Roma dưới thời Hyginus... và dạy rằng thân vị được Luật pháp và Lời tiên tri tuyên xưng là Thiên Chúa không phải là Cha của Chúa Giêsu Kitô của chúng ta".[14] Tuy khẳng định này không chắc chắn, nhưng khả năng lớn là họ đã gặp gỡ nhau.[8]

Marcion chủ trương cộng đồng Kitô giáo phải quay về với sứ điệp nguyên bản của Chúa Giêsu, vì cho rằng nhiều nơi đang bóp méo nó.[15] Ông thuyết giảng trở lại Kitô giáo nguyên thủy, nếp sống khổ hạnh và kiêng ăn. Marcion nỗ lực nhằm mục đích tách Kitô giáo ra khỏi giáo lý Cựu Ước của Do Thái giáo.[16]

Sau cuộc đối đầu với giám mục Piô của Roma, Marcion đã bị dứt phép thông công với hội thánh Roma khoảng giữa năm 144. Khi đó, ông đã gửi một lá thư cho hội chúng để bảo vệ quan điểm của mình.[8] Sau đó, Marcion cùng những người ủng hộ mình ở Roma, bắt đầu tổ chức các cộng đoàn tách biệt với giáo hội La Mã, và đạt được thành công lớn. Hội thánh của ông từ Roma lan rộng ra những nơi khác, đến tận Syria. Đương thời, Justinô đã phát biểu về Marcion: "Nhiều kẻ tin rằng chỉ duy nhất người này biết được chân lý và họ cười nhạo chúng ta."[17]

Marcion trở lại Tiểu Á, tiếp tục thuyết giảng, phát triển một cộng đoàn rộng lớn do ông là giám mục. Đồng thời ở diễn biến ngược  lại, giám mục Anicetus của Roma (giáo hoàng) kịch liệt chống lại những kẻ theo phái Marcion, thậm chí vào những năm 150 đã cấm các linh mục để tóc dài (có lẽ vì những người theo thuyết Trí Huệ để tóc dài).[18]

Tertullianus trong tác phẩm The Prescription Against Herectics (Chống lạc giáo, viết khoảng năm 200) cho rằng Marcion xưng nhận ăn năn, và chấp nhận với các điều kiện đưa ra để được hòa giải thông công lại với giáo hội, nhưng đã không kịp thực hiện trước khi qua đời năm 160.[19] Nói chung, do lập trường chống Marcion của Tertullianus, các học giả hoài nghi tính chính xác của ý kiến này.

Giáo phái Marcion phát triển mạnh vào sinh thời Marcion, trở thành đối thủ lớn của Giáo hội Công giáo sơ khai. Sau khi ông qua đời, giáo phái vẫn tiếp tục theo đường hướng của ông và tồn tại trải qua các biến cố tranh biện trong lịch sử Cơ Đốc, kể cả khi bị chính quyền coi là bất hợp pháp trong nhiều thế kỷ.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Marcion thành Sinope http://www.earlychristianwritings.com/info/marcion... http://www.scribd.com/doc/60958056/Tomislav-J-%C5%... http://www.marcionite-scripture.info/ http://khazarzar.skeptik.net/books/justinus/apolog... http://www.ccel.org/ccel/harnack/origin_nt.v.i.htm... http://www.ccel.org/ccel/harnack/origin_nt.v.vi.ht... http://www.gnosis.org/library/marcion/Galatian.htm http://www.gnosis.org/library/marcionsection.htm http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Pope_Ani... http://www.tertullian.org/anf/anf03/anf03-24.htm#P...